Thời gian vừa qua, Trung tâm Công nghệ Vi điện tử và Tin học cùng các đơn vị liên quan đã tổ chức đoàn công tác khảo sát và nghiên cứu về quần thể cây Pơmu tại huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam (quần thể cây Pơmu có số lượng nhiều nhất tại Việt Nam và đang được bảo vệ).
Hiện nay cây Pơmu đã được xem là loài cây quý hiếm, nguy cấp (Sách đỏ IUCN Redlist – 2017 và Sách đỏ Việt Nam – 2007) và cần ưu tiên bảo tồn. Ngoài lấy gỗ thì cây Pơmu còn là loại cây có chứa tinh dầu, hỗn hợp chứa farnesol và nerolidol từ tinh dầu Pơmu có tác dụng dẫn dụ côn trùng, ứng dụng làm hương liệu, pha chế nước hoa, hương thơm, xà phòng, đánh bóng đồ gỗ. Trong Y học còn dùng làm thuốc sát khuẩn, chống viêm.
Theo số liệu điều tra thì quần thể cây Pơmu được phân bố trên diện tích 240ha ở độ cao khoảng 1.500m so với mực nước biển thuộc hai xã Axan và Tr’Hy, huyện Tây Giang. Tổng số cây Pơmu đếm được là 1.366 cây, trong đó số cây có đường kính từ 10cm trở lên là 1.243 cây, số cây có đường kính dưới 10cm (cây tái sinh) là 123 cây. Đánh giá sơ bộ thì quần thể cây Pơmu tại đây phần đa là những cây đã già, cỗi; mật độ cây tái sinh thấp (dưới 10%), vì vậy công tác bảo tồn và khai thác bền vững cần phải xem xét, ưu tiên. Ngoài ra, cây Pơmu là loại thân thẳng, cao vượt trội so với các loại thực vật trong rừng nguyên sinh, tinh dầu của Pơmu dễ cháy nên hàng năm đều có hiện tượng sét đánh dẫn đến chết cây, có trường hợp đã gây cháy rừng.
(Bản đồ phân bố cây Pơmu tại tỉnh Quảng Nam)
(Cây Pơmu có niên đại 300 năm tuổi)
(Cán bộ Trung tâm Vi điện tử và tin học tham gia đoàn khảo sát khu vực cây Pơmu bị sét đánh cháy)
Trên cơ sở các số liệu thu thập, đoàn công tác đã phân tích và đề xuất triển khai các nội dung nghiên cứu, bảo tồn nguồn Gen và khai thác hiệu quả, bền vững các nguồn lợi từ cây Pơmu như:
– Xác định đặc điểm sinh thái, hiện trạng cấu trúc và đa dạng di truyền của quần thể cây Pơmu ở tỉnh Quảng Nam, làm cơ sở thực hiện công tác bảo tồn và phát triển nguồn Gen;
– Xác định phương án bảo tồn và phát triển cây Pơmu, bao gồm xây dựng hướng dẫn kỹ thuật nhân giống và gây trồng cây Pơmu phục vụ trồng rừng bảo tồn;
– Xây dựng hệ thống cảnh báo, phòng chống cháy rừng và hỗ trợ chống khai thác trái phép;
– Khảo sát thành phần hóa học, thử nghiệm hoạt tính sinh học của cao chiết từ lá Pơmu, nghiên cứu quy trình bào chế chế phẩm từ lá Pơmu theo hướng tác dụng kháng oxy hóa và kháng viêm.
Nguồn: Phòng Quản lý Tổng hợp